Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Hiệp Cát - Huyện Nam Sách

23/4/2023  |  English  |  中文

Giới thiệu tổng quan - Xã Hiệp Cát


Theo truyền thuyết và lịch sử để lại, thì cách đây hàng chục thế kỷ, Hiệp Cát trước đây là nơi hoang vu, cỏ dại, lau sậy um tùm, cây cối rậm rạp như rừng. Qua nghiên cứu các di tích còn lại thì vào những năm 1005 cuối đời Lê, Lê Long Đĩnh giữ ngôi thì mảnh đất này vẫn là khu bãi sậy. Đến năm 1009 nhà Lý lên ngôi, mảnh đất này mới có người đến lập ấp khai phá.

vnm__hai_duong__nam_sach__hiep_cat.jpg

Hiệp Cát ngày nay giống như hình bầu dục với tổng diện tích là tự nhiên 679,40 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 405,64 ha, đất phi nông nghiệp là 274,24ha. Tổng dân số 7.420 người với 2.250 hộ được phân bổ thành 6 thôn, gồm: Lấu Khê, Cát Khê, Kinh Dương, Đại Lã, Kim Độ Làng, Kim Độ Trại. Đảng bộ xã Hiệp Cát hiện có 11 chi bộ trong đó có 6 chi bộ nông thôn, 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ Công an, 1 chi bộ Dân quân cơ động với tổng số 356 đảng viên.

Hiệp Cát nằm bên cạnh đường 17, con đường nối thị trấn Phả Lại (Chí Linh) với Nam Sách và Thị xã Hải Dương. Con đường 17 có tính chiến lược và tính kinh tế quốc phòng. Hai con sông Thái Bình và Kinh Thầy bao quanh trên hai phần ba địa hình của xã. Các thôn Lấu Khê, Cát Khê, Kinh Dương, Đại Lã nằm bên hai con sông này đều có bến đò trở khách qua sông sang huyện Gia Lương (Hà Bắc), sang huyện Chí Linh - Phả Lại … Hai con sông rất thuận tiện cho việc đi lại buôn bán làm ăn và giao thông đường thủy.

2. Nguồn gốc con người Hiệp Cát

Người Hiệp Cát trước kia là người từ các nơi đến ở: người Nghệ An ra, người Thanh Hà, Gia Lộc đến … Theo truyền thuyết và Ngọc phả để lại, các văn bia ở đền chùa, miếu mạo thì tổ tiên người Hiệp Cát phần lớn từ thượng lưu sông Thái Bình theo dòng nước về đây làm ăn sinh sống bằng nghề chài lưới, thấy mảnh đất này mẫu mỡ, gần sông nước thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt nên mọi người ở lại, khai phá, trồng cây, sinh cơ lập nghiệp.

z5053713394818_9b653622dc9bbc8bbe60189a838da2a3.jpg

Người đầu tiên đến mảnh đất Hiệp Cát tự xưng là Hồng Bàng Thị - tên chính là Nguyễn Thị Lan Anh. Tiếp theo đó là ba họ Đinh, Lê, Nguyễn cũng đến lập ấp lấy tên là Trung Kinh Dương Vương.

Qua nhiều năm khai phá, số người đến đây tụ tập làm ăn ngày càng đông đúc, từ đó hình thành phát triển thành thôn xóm. Theo truyền thuyết để lại, thôn Kinh Dương hình thành khoảng thế kỷ thứ XI. Với số dân trên dưới một trăm người. Từ đó dân cư phát triển ra các thôn Lấu Khê, Đại Lã và Kim Độ. Như vậy mảnh đất và con người Hiệp Cát được hình thành cách đây khoảng trên một nghìn năm.

Căn cứ vào tình hình lịch sử của các thời đại, người xưa căn cứ vào đặc điểm riêng của từng nơi mà đặt tên cho các thôn. Thôn Cát Khê ngày nay, trước kia là thôn Mạc Khê vì lúc ấy tiếp tấu với họ Mạc. Khi họ Mạc thất thủ, Mạc Đăng Dung thua thì nhà Lê lên thay, Lê Trung Thông lên ngôi, thôn Mạc Khê được đổi là thôn Cát Khê, li khai phản đối nhà Mạc, thể hiện lòng trung thành với nhà Lê. Thôn Kinh Dương ngày nay cũng nhiều lần đổi tên.

Đến thời Kinh Dương Vương - Vua Hùng thứ 6 (1603-1690) trước công nguyên, có nàng công chúa Ngọc Lan đi du ngoạn dọc sông Lục Đầu Giang. Trên đường về kinh đô chẳng may gặp lúc thuỷ triều đang xuống, cạn dòng thuyền không xuôi được. Trong khi chờ nước lên nàng Ngọc Lan lên thăm mảnh đất ven sông, nàng gặp dân ở đây và cho tiền, gạo giúp dân khai phá ruộng đồng. Nàng đặt tên cho xóm là Kinh Dương Động. Nước thuỷ triều lên cao, nàng xuôi về kinh đô và tâu lên đức Vua - Vua phong sắc thành hoàng cho nơi này. Xóm Kinh Dương Động mỗi ngày dân cư phát triển thêm đông, nhân dân nhớ ơn nàng đã lập đền thờ vị thành hoàng Ngọc Lan công chúa, thôn Kinh Dương Động đổi tên là Kinh Dương.

Thôn Đại Lã ngày nay trước kia có tên là Cả Lửa, thôn Lấu Khê trước kia có tên là thôn Lâu Khê ….

Khi thực dân Pháp bước đầu xâm lược nước ta, chúng bố trí đơn vị hành chính lại khác trước. Đầu thế kỷ XIX (1810-1819) các thôn Lấu Khê, Cát Khê, Kinh Dương, Đại Lã, Kim Độ, Kim Bịch và La Đôi là 7 xã gọi là tổng La Đôi, phủ Nam Sách huyện Thanh Lâm.

 Người dân Hiệp Cát hầu hết là dân tộc kinh, không theo đạo giáo nào. Năm 1941 ở Đại Lã có một gia đình ông Nguyễn Văn Vịnh theo đạo thiên chúa. Nhân dân Hiệp Cát có truyền thống yêu nước thương nòi. Các dòng họ Đinh, Lê, Nguyễn, Phạm, Trần, Hoàng, Bùi,Vũ, Đỗ, Đặng, Trịnh, Đoàn, Thuỵ … Hàng trăm dòng họ khác nhau nối tiếp xuất hiện trên quê hương Hiệp Cát. Trong trăm họ quần tụ sinh sống đó, có dòng họ còn ít người, có dòng họ không còn người nào (họ Thuỵ). Theo gia phả của các dòng họ để lại thì dòng họ Đinh, Lê,Nguyễn, Phạm là các dòng họ đến sớm nhất, dài đời nhất cũng chỉ được 18-19 đời (khoảng cuối thế kỷ XVIII). Các dòng họ xuất hiện trên mảnh đất này là một quần thể họ đều là người lao động cần cù, đoàn kết, chung sống cùng nhau “lá lành đùm lá rách, nhường cơm xẻ áo cho nhau" để xây dựng quê hương này.

Nhân dân Hiệp Cát có truyền thống văn hoá từ xưa. Ngay từ thời xa xưa của lịch sử Hiệp Cát đã xuất hiện 3 danh nhân nổi tiếng, đó là ông Thuỵ Văn Giai ở Đại Lã, cụ Đoàn Tố Văn, Đoàn Tố Nhạc ở Kinh Dương. Ba cụ học lực uyên thâm, có tài tháo vát đã đỗ Tiến sĩ, cụ Thuỵ Văn Giai đã làm quan trong triều và được nhà vua phong tặng “Tư đồ thái tể" (năm 1460 - năm Canh Thìn). Truyền thống văn hoá ấy đã được con cháu phát huy trong nhiều thế hệ tiếp theo. Mảnh đất Hiệp Cát mầu mỡ, phì nhiêu, thiên nhiên ưu đãi. Con người Hiệp Cát cần cù chịu khó, giản dị bình thường như luỹ tre, gốc đa, bờ lúa, ruộng khoai. Nhưng qua những biến cố thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Con người và mảnh đất Hiệp Cát anh dũng kiên cường, bất khuất, đoàn kết, thuỷ chung đồng cam cộng khổ vượt lên thử thách gian nguy để xây dựng non sông đất nước quê hương này “to đẹp thêm, đoàng hoàng hơn".

3. Điều kiện Kinh tế - xã hội:

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Đế quốc Mỹ nhân dân Hiệp Cát đã ra sức chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến góp phần vào thành công vĩ đại trong công cuộc chống giặc ngoại xâm của đất nước. Đã có rất nhiều người con của Hiệp Cát nằm lại tại các chiến trường, hoặc hy sinh một phần xương máu, trong đó toàn xã có 6 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm liệt sĩ, hàng trăm thương binh, bệnh binh và người có công với Cách mạng. Sau chiến tranh, với tinh thần xây dựng lại cuộc sống, xây dựng lại đất nước những người con của Hiệp Cát lại bắt tay vào tham gia sản xuất, làm kinh tế không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu trên chính  mảnh đất quê hương của mình, với những thành quả đó năm 2017 Hiệp Cát đã về đích xây dựng Nông thôn mới, đang hoàn thiện các tiêu chí về đích Nông thôn mới nâng cao vào trước năm 2025.

z5049978764123_b6818c5a2592f1b7fa4589e49f427517.jpg

Hệ thống giao thông, thuỷ lợi từ trong làng ra ngoài đồng đều được bê tông hoá 100%; đường trục xã và các thôn đều được mở rộng từ 7 đến 9m trải nhựa bê tông đảm bảo cho việc giao thông đi lại của người dân; công tác An sinh xã hội, các công trình điện, đường, trường trạm, nhà văn hoá, các công trình tâm linh được quan tâm và xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đầy đủ của người dân; Cơ cấu kinh tế chuyển đổi tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, giảm tỷ trọng các ngành nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 65 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%; các hoạt động văn hóa thông tin TDTT được duy trì và phát triển, hàng năm các thôn đều duy trì và giữ vững danh hiệu làng văn hoá, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá đạt trên 95%; sự nghiệp giáo dục có nhiều khởi sắc; công tác quân sự quốc phòng, an ninh trật tự được giữ vững ổn định. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể từ xã đến các thôn đều được quan tâm và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.